(ĐTCK) Tùy mỗi thời điểm theo mùa, Mũi Điện ở Phú Yên hay Mũi Đôi ở Khánh Hoà, mặt trời sẽ chiếu những tia nắng đầu tiên trên đất liền của tổ quốc. Và trong thời cuộc chung cho thế giới hôm nay, cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, câu chuyện đó trở thành khởi đầu cho một xu thế mới: Nam Trung Bộ đang vươn mình đón lấy bình minh ở biển Đông!
Khung cảnh làm mê đắm khách du lịch. Ảnh: Shutterstock
Những món quà của thiên nhiên
Địa hình, địa lý Việt Nam là di sản, là món quà lớn lao của cha ông để lại cho dân tộc. Đất nước dựa lưng vào dãy Trường Sơn, mặt hướng ra biển Đông, tạo thành thế ỷ Sơn hướng Hải, thế đất của đại cát, đại lợi.
Sở hữu hơn 3.026 km đường bờ biển tại vùng biển nhộn nhịp về giao thương đứng thứ 2 trên thế giới, cộng thêm các yếu tố về địa chính trị và tài nguyên thiên nhiên, điều này mang lại lợi thế lớn cho Việt Nam mà không có quốc gia nào trên thế giới có thể so sánh được. Có người nói vui là chẳng khác gì một cá nhân mà có được ngôi nhà mặt tiền với chiều ngang 300 m ở Trung tâm chợ Bến Thành!
Kể từ sau công cuộc giải phóng, đất nước tập trung vào việc đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế, lo cái ăn, cái mặc cho nhân dân.
Từ thực tiễn đó, đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ trở thành hai đầu tàu kinh tế đưa đất nước đi lên, được ví von như 2 thúng gạo với quang gánh là dải đất miền Trung chịu thương chịu khó.
Covid-19 – một “cơn sóng dữ” xô tới vùng biển vốn bình yên, nhưng chắc chắn rồi bão cũng sẽ qua đi, còn lợi thế về biển, nhiều vùng vịnh, ghềnh đá tự nhiên cùng danh lam, thắng cảnh và văn hóa – lịch sử vẫn còn đó.
Bước sang thế kỷ 21 – Thế kỷ của Đại Dương, các cường quốc đều nhận ra rằng, đại dương đóng vai trò quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của một quốc gia, từ kinh tế, chính trị, văn hoá, quốc phòng, tài nguyên, khoa học…, tất cả đều hướng về phía biển. Và Việt Nam, với truyền thống bám biển của cha ông, đã kịp vươn mình cưỡi ngọn sóng lớn này cùng thế giới.
Năm 2007, Chính phủ ban hành “ Chiến lược kinh tế biển” và năm 2012, Luật biển Việt Nam ra đời.
Đây cũng là thời kỳ chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của dải đất miền Trung, đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ, vùng đất được thiên nhiên ưu ái với khí hậu hiền hoà cùng bờ biển đẹp, trải dài theo những ngư trường trù phú. Và cũng chính từ đây, dòng du khách bắt đầu!
Bình minh tuyệt đẹp chiếu rọi ngọn hải đăng Mũi Điện. Ảnh: Shutterstock |
Từ món quà trời ban “Nhật thực toàn phần ở Phan Thiết” năm 1995 cho đến đặc sản “Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng” hôm nay, đó là một hành trình tỉnh thức của ngành du lịch Việt Nam, cùng với đó là cả một chuỗi dài về câu chuyện phát triển kinh tế đa ngành.
Công cuộc đổi mới của đất nước đã sớm hình thành từ những thập niên 90, với định hướng chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, cùng với việc mở cửa đón dòng vốn đa phương, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến. Đời sống vật chất được nâng cao, đời sống tinh thần được chú trọng, đó cũng là lúc ngành du lịch nội địa phát triển nhanh như vũ bão. Việt Nam cũng trở thành điểm đến mới trên bản đồ du lịch quốc tế, khi mà thế giới đã phẳng hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó chủ tịch Công ty Bất động sản Asia New Time |
Ngành hàng không đã làm nên một sứ mệnh vàng, với sự góp mặt từ khối dân doanh, giấc mơ bay của người Việt giờ đây đã lấp đầy trong nhật ký, Nam Trung Bộ trở nên gần hơn bao giờ hết, với những Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Phan Rang, Phan Thiết… đều trở nên thân thuộc và chứa đầy những kỷ niệm đẹp trong ký ức của người dân.
Cũng hưởng lợi từ vị thế mặt biển và điều kiện tự nhiên mưa thuận gió hoà, hàng loạt cảng biển, cảng nước sâu, sân bay quốc tế, khu công nghiệp công nghệ cao, đặc khu kinh tế… lần lượt hình thành, Nam Trung Bộ thật sự trở nên sôi động với nguồn nội lực dồi dào, tốc độ phát triển luôn nằm trong nhóm đầu cả nước. Đó là tất cả những nét chung của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và là điều kiện cơ bản cho sự bứt tốc của ngành kinh tế không khói của vùng duyên hải miền Nam Trung Bộ.
Thời cơ vàng cho ngành kinh tế không khói
Mỗi ngày, cuộc sống của đại đa số người dân dần được cải thiện. Nhưng nghịch lý phát triển là guồng quay kinh tế càng sôi động, những đô thị nén chật chội thiếu không gian thoáng đãng, cây xanh và không gian nghỉ ngơi yên tĩnh xuất hiện ngày càng nhiều khiến chất lượng cuộc sống người dân giảm sút.
Từ đó, nhu cầu đi du lịch, nghỉ ngơi ở những khu vực, nhất là ven biển với khí hậu trong lành, lãng mạn và yên tĩnh đã trở thành một xu hướng bình thường mang tính tất yếu. Có cầu ắt có cung, thị trường bất động sản sản miền Nam Trung Bộ trong gần một thập niên qua phát triển như vũ bão. Hàng loạt dự án lớn ven biển được các nhà phát triển bất động sản đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu mang tính tất yếu đó.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 123 ngày nghỉ, có hơn 90% dân số yêu thích du lịch, đặc biệt là phân khúc nghỉ dưỡng ven biển. Đặc biệt, tờ Telegraph (Anh) mới đây đã xếp Việt Nam vào Top 20 thị trường nghỉ dưỡng mới nổi nhờ sở hữu hệ thống tài nguyên thiên nhiên đa dạng, các sinh vật biển phong phú và dịch vụ nghỉ dưỡng giải trí hiện đại.
Trong đó, bất động sản nghỉ dưỡng gắn với du lịch biển – đảo được các chuyên gia đánh giá là có độ sôi động nhất hiện nay, nhất là khu vực miền Trung trở vào. Sở dĩ như vậy vì khu vực này có lợi thế là đường biển dài, quỹ đất lớn, hạ tầng giao thông được triển khai đồng bộ và chính sách cởi mở từ chính quyền địa phương nhằm thu hút nhà đầu tư “rót vốn”.
Ảnh: Shutterstock |
Theo số liệu thống kê của Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, những năm gần đây lượng khách du lịch đến khu vực miền Trung có xu hướng tăng mạnh. Bằng chứng là năm 2018, khu vực này đã đón 56 triệu lượt khách, chiếm gần 70% lượng khách của cả nước. Đó là chưa kể, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cao trong điều kiện bình thường, đạt 1,3 – 1,4 triệu lượt/tháng (theo số liệu năm 2019). Tổng thu từ du lịch năm 2019 khoảng 120.000 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ du lịch biển chiếm trên 60%.
Covid-19 – một cơn sóng dữ xô tới vùng biển vốn bình yên. Tuy nhiên, chắc chắn “cơn bão” dịch bệnh sẽ qua đi, còn lợi thế về biển, nhiều vùng vịnh, ghềnh đá tự nhiên cùng danh lam thắng cảnh và văn hóa – lịch sử vẫn còn đó. Hãy chuẩn bị lại, chỉnh sửa lại và thay đổi để trường tồn. Dải đất miền Trung xưa chịu thương chịu khó, nay đã thật sự đổi khác. Có một chân lý rất đỗi bình thường nhưng giờ đây đã rõ, rằng: “Mặt trời mọc ở đằng Đông!”